Hà Nội, 15/01/2025 – Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) thuộc Bộ Công Thương, cùng với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đã chính thức ký kết Thỏa thuận Thực hiện dự án “Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam” (TEV).
Dự án TEV, với tổng giá trị lên đến 4 triệu EUR, được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ), sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng bao gồm cung cấp kinh nghiệm, bài học thực tiễn nhằm: (1) giúp Bộ Công Thương nghiên cứu các giải pháp hiện thực hóa các cam kết quốc tế về năng lượng bền vững; (2) xây dựng khung pháp lý và quy định mới, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động chuyển dịch năng lượng; và (3) trang bị kiến thức chuyên môn về công nghệ tiên tiến cho các chuyên gia và nhà quản lý, góp phần hiện đại hóa ngành năng lượng của Việt Nam.
Bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam chia sẻ: “Tôi đặc biệt vui mừng khi TEV được xây dựng trên nền tảng vững chắc của hơn 15 năm hợp tác thành công giữa Bộ Công Thương và GIZ. Cùng nhau, chúng ta đã triển khai những dự án có tác động lớn như dự án Lưới điện Thông minh hay như dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành Thương mại và Công nghiệp vừa kết thúc gần đây. Đức cam kết tiếp tục chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm để đảm bảo hỗ trợ Việt Nam đạt được tương lai năng lượng bền vững, giá cả phải chăng và đáng tin cậy.”
Dự án TEV đóng vai trò nền tảng trong hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Đức. Ngoài ra, dự án còn phù hợp với các mục tiêu của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các nước G7+, như đã được nêu trong Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP.
Đại diện ERAV và EREA khẳng định tầm quan trọng của dự án TEV đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia đang đối mặt với các thách thức về giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo. Việc hợp tác với GIZ sẽ giúp hai cơ quan tăng cường năng lực và tiếp cận những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV), nhấn mạnh: “Tôi hi vọng rằng buổi lễ kí kết thỏa thuận thực hiện dự án TEV ngày hôm nay sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai dự án TEV, qua đó tăng cường mối quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa hai nước. Trong thời gian tới, các bên cần cùng nhau nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung hoạt động đã đề ra. Để làm được điều đó, chúng tôi đề nghị GIZ hỗ trợ tối đa nguồn lực cho ERAV và EREA. Tôi rất vui mừng và cảm ơn sự hỗ trợ của GIZ trong thời gian qua và dự án này. Tôi tin rằng sự hỗ trợ này sẽ góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng bền vững hơn. Việc hợp tác với GIZ sẽ giúp chúng tôi tăng cường năng lực quản lý và điều tiết, từ đó đảm bảo lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và bền vững, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.”
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), chia sẻ: “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. Đặc biệt, tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế là rất lớn. Trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mục tiêu hàng đầu của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng, tiếp đó là đảm bảo giá năng lượng phù hợp. Việc đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong những năm tới là một nhiệm vụ đầy thách thức. Đồng thời, chúng ta cũng phải đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra công bằng. Tôi hy vọng rằng, thông qua dự án này, chúng ta sẽ tập trung hỗ trợ các cơ quan trung ương, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường nhận thức về chuyển dịch năng lượng. Tôi mong rằng chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ và triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.”
Dự án TEV được thiết kế nhằm tạo ra tác động lâu dài và toàn diện trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Dự án kỳ vọng sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là một phần trong nỗ lực chung nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong các diễn đàn năng lượng toàn cầu.
Với cam kết từ Chính phủ Đức, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa GIZ, Bộ Công Thương, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần vào một nền kinh tế phát thải thấp và phát triển bền vững.
Thông tin nền:
Hợp tác năng lượng giữa Đức và Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với Dự án Điện gió Phú Lạc, do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ và được hỗ trợ bởi tư vấn kỹ thuật của GIZ. Từ đó đến nay, GIZ tiếp tục hỗ trợ tư vấn chính sách, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, lưới điện thông minh và chuyển đổi các khu vực khai thác than đá. Mục tiêu của hợp tác này là hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế mà không phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, hướng tới trở thành một quốc gia có thu nhập cao và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để đạt được mục tiêu này, GIZ cung cấp tư vấn kỹ thuật hỗ trợ chuyển dịch sang khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió vì chi phí của các nguồn năng lượng này đã trở nên cạnh tranh so với năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, GIZ cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển các công nghệ mới như pin lưu trữ và hydrogen xanh. Chúng tôi tin rằng việc hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh và nâng cao năng lực cho các bên tham gia thị trường điện là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Tận dụng những kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng các chính sách tại các quốc gia khác và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, GIZ cung cấp phân tích kỹ thuật và hỗ trợ để tinh chỉnh các chiến lược và quy định chuyển đổi. Thông qua các dự án hợp tác, GIZ đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho cả khu vực công và tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.